Chuyến bay thẳng kéo dài hơn chục tiếng,ệncủabàtiki kịp đưa cô về nhìn mặt bà lần cuối. Đám tang bà rất đông người tới dự. Những ánh mắt, những câu chuyện về bà khiến cho Hân vừa đau buồn, tự hào vừa tiếc thương, ngưỡng mộ. Sau khi đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng, Hân và mẹ vào phòng bà dọn dẹp. Hân lấy chìa khóa mở chiếc tủ gỗ đựng đồ dùng của bà và tìm thấy rất nhiều thứ trong đó.
Mẹ lần giở cuốn album ra, nhẹ vuốt lại những tấm hình đã ố màu. Những hình ảnh thân quen xưa cũ khiến mẹ rơm rớm nước mắt. Hân thì chú ý đến những lá thư tay. Thời của Hân, tất cả là email, zalo, viber, messenger. Những lá thư này, căn theo ngày tháng chắc cũng đã chừng nửa thế kỷ. Rất nhiều lá đã nhòe nhoẹt, không thể nào đọc được. Hân đặc biệt tò mò về vài ba lá thư vẫn còn phong kín. Hân cầm chiếc phong bì có dán một con tem hoa hồng. Giá trên con tem chỉ có 12 xu. Nhìn kỹ thì đọc thấy thư được đóng dấu vào ngày 5.3.1979.
Con mở ra được không mẹ? Có nên không con? Bà đã không mở thì có lẽ mình nên đốt sẽ tốt hơn! Nhưng con tò mò quá. Thư của ai gửi bà thế nhỉ? Sao nó lại không được bóc ra. Bà con cả đời sống trong sạch, tử tế thế, chắc không có gì cần phải giấu đâu mẹ. Vậy mẹ con mình thắp nhang xin phép bà! Còn chuyện xin hiến giác mạc của bà thực hư thế nào ạ? Lá đơn hiến tạng của bà đã được làm từ mấy năm trước. Chỉ có điều…
Mẹ châm ba cây nhang, lầm rầm khấn, những đốm lửa đỏ sáng lên trong ánh hoàng hôn nhập nhoạng, mùi trầm thơm tỏa khắp phòng.
Hân bóc phong bì, thư chỉ có một mặt được viết bằng viết mực trên giấy ô li học trò. Nét chữ khá nắn nót:
Dân yêu quý! Có thể là khi Dân nhận được lá thư này thì tôi đã tới Lạng Sơn rồi. Sáng sớm ngày mai tôi sẽ cùng anh em bạn bè trong tiểu đoàn lên xe đi ngược với con đường mà năm 68 tôi và Quân đã cùng đi. Chiến tranh đã bắt đầu nơi biên giới phía Bắc. Lệnh tổng động viên sẽ được ban bố sớm. Thời gian quá gấp gáp, tôi chẳng thể qua nhà Dân nói lời từ biệt. Như lần trước tôi đã nói với Dân, tôi chỉ muốn thay Quân lo cho Dân và hai đứa trẻ… Dân ơi, Quân đã hy sinh được 5 năm rồi. Dân còn trẻ quá để có thể sống một mình. Tôi mong Dân cho tôi một cơ hội nữa!
- Thư tỏ tình của một bác nào đó tên Minh với bà. Trong thư còn nhắc cả đến mẹ nữa. Con thấy ông rất thật lòng. Sao bà lại không đáp lại.
- Đó là một câu chuyện dài con ạ!
- Mẹ có thể kể cho con được không?
Vào những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông nội con cũng như bao người con trai bình thường mà anh dũng thời chiến, đeo ba lô, hòa vào đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, để lại nơi quê nhà mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Đầu năm 1975, khi tin chiến thắng dồn dập báo về, thì cũng là lúc bà con nhận được giấy báo tử của ông. Cụ con quỵ xuống bất tỉnh khi biết mình trước đã mất chồng, giờ lại mất nốt đứa con trai duy nhất. Mẹ khi ấy còn nhỏ nhưng vẫn nhớ rất rõ cảnh bà ngoại con quỳ trước bàn thờ ông vừa khóc vừa hứa: "Em sẽ thay anh, lo cho mẹ đến hết đời". Năm đó, bà con mới ngoài hai mươi tuổi.
Ở tuổi đó, với tính nết hiền thục đảm đang, lại có nhan sắc, dù một nách hai con, và ở vào cái thời thiếu đàn ông, thừa đàn bà ấy, bà vẫn có nhiều người theo đuổi. Ông Minh là một trong những người nhiệt tình nhất. Lâu quá rồi nên mẹ không nhớ nổi mặt ông nhưng các thương binh hay tới nhà mình thì mẹ nhớ. Ông Thời cụt tay trái mà đan lát giỏi, nong nia, rổ rá nhà mình đều của ông đan hết. Ông Hậu có vết sẹo dài trên cổ. Ông sát cá lắm, khi thì ông xách cái lờ đầy cá sộp tới nhờ bà con nấu ám, lúc lại mang sang cả rổ tép nói bà kho khế giùm.
Cụ con có lần nói với mẹ rằng: Mẹ con là người tốt, tình cảm giữa bố mẹ con cũng rất sâu đậm, có điều lòng dạ đàn bà thường mềm yếu. Người ta cứ tới suốt biết mẹ con có xiêu lòng không. Có một lần, mẹ còn tình cờ nghe thấy bà con khóc nói với cụ con rằng: Con từ lâu đã là con gái của mẹ. Con sẽ không bao giờ bỏ mẹ đâu. Nếu mẹ không thích thì từ nay con sẽ không cho họ tới nhà hay thư từ gì nữa… Không biết đầu đuôi câu chuyện như thế nào nhưng những lá thư nhận được sau đó, bà hoặc là bắt mẹ và bác Trà mang trả lại hoặc là bỏ vào góc tủ. Lá thư này của ông Minh chắc là gửi bà con trong giai đoạn đó.
Bà con một thân, một mình vừa chăm lo mẹ chồng vừa nuôi dạy hai con nhỏ, vất vả lắm. Dù bà có lương y tá của trạm xá xã và trợ cấp liệt sĩ của ông con thì nhà ta cũng vẫn phải vật vã lắm mới qua được cái thời ăn bo bo, ngủ ổ rơm của những năm bao cấp. Bà là người đảm đang, vén khéo. Ngoài nghề y, bà con còn làm thêm nghề đan, thêu nên cuộc sống của nhà ta cũng đỡ thiếu thốn. Ngoài Bắc, vào những tháng cuối năm, gió rét căm căm, chuyện mặc ấm quan trọng lắm. Đói dễ chết mà rét còn dễ chết hơn. Thế nên mùa hè có thể ở trần như Chử Đồng Tử chứ mùa đông, không ai không có một vài chiếc áo ấm. Những đứa trẻ con khác hồi ấy thường chỉ có một chiếc áo bông, mặc suốt mùa đông nhưng mẹ và bác thì vẫn có cả áo bông lẫn áo len cổ lọ để thay đổi. Bà con còn dùng len khác màu thêu chữ, chim, hoa lên ngực áo. Tranh, hoa bà thêu rất sinh động, ai cũng thích. Nhà giàu trên phố cũng tìm tới đặt hàng. Bà con phải làm việc vất vả lắm. Có những đêm, gà gáy sáng rồi, mẹ thức dậy, vẫn nhìn thấy ánh đèn dầu của bà. Bà ngồi thêu thâu đêm, sáng hôm sau lại đạp xe hơn hai chục cây số lên phố giao hàng. Chân tay bà toàn là nốt kim đâm với muỗi đốt.
Đất nước bước sang thời kỳ đổi mới. Kinh tế xã hội phát triển hơn, nhà ta xây được nhà mới khang trang. Giao thông đi lại thuận tiện, bạn bè, đồng đội của ông ở nơi xa hay đến nhà chơi. Những lời đoán định về vùng đất nơi ông con có thể đã nằm lại, khiến cả nhà tràn trề hy vọng rằng sẽ tìm được hài cốt của ông con. Bà con cùng một số vợ liệt sĩ nữa năm lần bảy lượt vào Nam, đi khắp các nghĩa trang dọc theo tuyến đường Trường Sơn, Quảng Bình, Quảng Trị, Đồng Nai, Sài Gòn… nhưng vẫn không tìm được mộ của ông con. Tuy nhiên những chuyến đi lại giúp bà nhìn thấy cơ hội đổi đời ở vùng đất mới trù phú, ấm áp. Thế là cả nhà ta Nam tiến.
Trước đó làm sao bà con có tiền mua được căn nhà trên đồi Chí Linh này thì mẹ không biết, nhưng những khó khăn, thiếu thốn của việc chuyển đến vùng đất mới, gần như với hai bàn tay trắng thì mẹ chẳng thể quên. Thương bà, mẹ và bác đều cố gắng để có thể phụ giúp bà. Nghề may, thêu không còn thịnh hành thì bà con chuyển sang nuôi lợn, trồng rau, nấu rượu, nuôi gà. Bà cho mẹ mang rau quả ra chợ bán, phân cho bác chuyện giao hàng. Mục đích chính là để làm quen với cách nói năng, sinh hoạt của người địa phương trước khi trở lại trường học. Bác con học giỏi lắm, thi đậu cả 3 trường đại học. Bà khuyên bác con chọn trường Y. Mẹ thì học Sư phạm. Mẹ và bác con đều hiểu nỗi khó nhọc của việc nuôi hai con học đại học, thế nên bác và mẹ đều ra trường với bằng giỏi, xin được việc làm đàng hoàng. Tất cả đều nhờ vào công lao của bà…
Mẹ ngừng lời rưng rưng nhìn những tàn nhang đang uốn cong thành những hình tròn, còn Hân bồi hồi nhớ tới hình ảnh bà cặm cụi ngồi sửa lại hàng rào, tự tay vun tưới từng cây rau trong vườn, vui vẻ phân phát trái cây cho bọn trẻ nhỏ…
- Mấy năm nay bà có còn lái xe chở hàng đi làm từ thiện nữa không mẹ?
- Hôm qua con đã nghe mọi người nói rồi đó. Bà ngoài 60 mà làm việc chẳng kém thanh niên. Bà từng nói rằng nhà ta được như ngày hôm nay là nhờ trời thương, nhưng mẹ thì nghĩ đó là nhờ sự chăm chỉ khéo léo và tầm nhìn xa của bà. Ở cái thời mà bao người chăm chăm gom tiền xây nhà to, lo sắm sửa ti vi, xe máy thì bà con lại dành dụm tiền mua đất. Giá đất hồi ấy rẻ lắm, cả một quả đồi cũng chỉ có vài ba chỉ vàng. Bà con còn biết cách biến những miếng đất trống, đồi hoang ấy thành vườn, thành rẫy. Vườn nhà mình hồi đầu trồng chuối, rồi trồng táo, giờ mới chuyển sang trồng nhãn. Ba con hồi đầu vì mê khu vườn cây trái tươi tốt nhà mình nên mới quyết tâm tán đổ mẹ đấy chứ. Mẹ rất lấy làm tiếc vì bên nhà nội cũng neo người nên các con không được sống cùng bà ngoại, nhận sự dạy bảo của bà. Bà con thực sự là tấm gương sáng mà chúng ta cần học theo. Mẹ nhớ ngày còn bé, mẹ nghịch dại cùng nhóm bạn trong làng, chạy đuổi nhau, giẫm nát ruộng rau nhà hàng xóm, khi nghe có người mách, bà đã mua rau giống về, cùng mẹ trồng lại hết mấy luống rau, rồi bà dẫn mẹ đến xin lỗi người ta. Khi bác Trà lưỡng lự trong chuyện chọn trường vì sợ học Y tốn thời gian, tiền bạc, bà liền mang hết mấy cuốn sổ tiết kiệm và sáu chỉ vàng đưa cho bác, nói từng này tiền có đủ cho các con học không? Con phải biết một chỉ vàng thời đó có thể mua được một lô đất đấy. Sau này khi đã ra trường đi làm nhiều năm, gom góp mãi vẫn chẳng đủ tiền mua đất, xây nhà mở phòng mạch tư như các bác sĩ khác, bác con đã nửa đùa nửa thật bảo: "Giá nhà đất tăng kinh quá! Biết thế ngày ấy mang số vàng kia đi mua đất thì giờ mình thành đại địa chủ rồi, chả phải lo đi học đi làm lương ba cọc ba đồng chi cho mệt!". Chỉ thế thôi, mà tuần sau bà gọi người tới bán đi mảnh vườn rộng cả ngàn mét gần khu biệt thự Phương Nam bây giờ. Nhờ có số tiền đó, bác con mới có phòng mạch Xuân Trà ở trên đường 30/4, nơi đông dân cư nhất nhì thành phố như vậy đấy.
Ngày bác con khai trương phòng mạch, bà tới dự, thấy bác con đặt bàn thờ thần tài với những thứ đồ cúng lễ rất uy nghi ngay trước phòng, bà không vừa lòng. Tối đó, bà kể cho cả nhà ta nghe về cái chết của bác cả con. Bác cả qua đời khi mới được vài tháng tuổi. Bà rớm nước mắt nói: "Hồi đó ở quê không có bác sĩ, mẹ chỉ là y tá, trẻ con thì yếu ớt, tiền nong không có nhiều để đưa anh các con lên bệnh viện tuyến trên, thành ra... Mẹ nghĩ, các bác sĩ mở phòng khám tư để luyện tay nghề và cứu người trước rồi mới đến kiếm tiền, với lại đâu phải cứ xì xụp, cúng vái, bàn thờ to, lễ vật đầy mà đông khách đâu. Nó phụ thuộc vào bác sĩ. Mình giỏi nghề lại làm việc có tâm thì lo gì không có tiền. Bác con biết ý, mang cất bàn thờ đi.
Khi mẹ dạy thêm tiếng Anh ở nhà, bà qua thăm và căn dặn mẹ rằng, dạy tiếng Anh cũng là cách giúp mình luyện lại vốn từ đã học. Giá cao thì ít học trò, ít cơ hội thực hành. Thế nên từ thời mẹ còn dạy ở nhà có một lớp cho đến khi có trung tâm phát triển như ngày nay thì giá học phí nhà ta vẫn chỉ bằng nửa những trung tâm khác. Học sinh học giỏi thì có học bổng, học sinh khó khăn được bớt học phí. Có thế trung tâm của mẹ mới đông người đăng ký học như vậy. Người ta nói: "Có đức mặc sức mà ăn", mẹ con ta được như bây giờ, tất cả là nhờ nghe theo sự dạy dỗ của bà.
Mẹ Hân bước tới trước bàn thờ, châm thêm ba nén nhang và nghẹn ngào:
- Con xin lỗi mẹ, trong lúc quá bất ngờ, bối rối chúng con đã không kịp thực hiện di nguyện của mẹ... nhưng xin mẹ yên tâm, tấm lòng của mẹ mọi người đều hiểu cả. Chúng con sẽ thay mẹ hoàn thành nốt việc thiện cuối cùng đó. Ngày mai con và chồng con sẽ tới bệnh viện làm thủ tục đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹplần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹplần thứ 3 của BáoThanh Niênđề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trangSống đẹpcủa BáoThanh Niên.