Sau một thời gian sử dụng xe máy điện,ườiViệttiềnmấttậtmangvìđộpinxemáyđiệasics ắc-quy hỏng, chỉ còn chạy được 50 km mỗi lần sạc, Võ Quân (Hà Nội) quyết định thay ắc-quy nguyên bản bằng pin thể rắn với giá 17,5 triệu đồng, để đi được xa hơn. Anh được cửa hàng độ pin giới thiệu đây là "pin sắt", cam kết về quãng đường 150-180 km, gấp đôi mẫu xe của Quân lúc mua mới (90 km), thời gian bảo hành 2 năm.
Hai tháng sau khi lắp đặt, xe Quân có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt, quãng đường đi giảm nhanh, sạc chậm. Với kinh nghiệm kỹ thuật điện, Quân tháo pin ra để tìm hiểu, và bất ngờ khi thấy dung lượng tổng của pin chỉ là 40 Ah, thay vì mức quảng cáo 55 Ah, ngoài ra còn có những dấu hiệu cho thấy đây là pin cũ tái chế, như đóng gói cẩu thả bằng băng dính đóng hàng, không phải băng dính sợi thủy tinh vốn an toàn hơn, mối hàn dây nối các pin nham nhở, vắt chéo qua nhau.
"Trước khi mua bên bán nói nếu tháo pin ra sẽ không bảo hành, tôi vẫn quyết tâm tháo để xem, vì mạng sống của tôi lớn hơn bảo hành đó rất nhiều. Tháo ra thấy không đúng như quảng cáo, tôi liên hệ bên bán để hỏi, họ chuyển lại cho tôi 1,5 triệu đền bù, nhưng từ chối nhận lại pin", Quân chia sẻ.
Vài ngày trước, một chiếc xe điện bốc cháy trên đường phố TP HCM, may mắn người lái xe thoát nạn, nhưng chiếc xe cháy trơ khung, và phải nhờ tới lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp mới có thể dập lửa. Sau cháy, chiếc xe để lộ khối pin to lớn mà nhiều người sử dụng cùng dòng xe này cho biết, đó là pin độ, vì to hơn pin chính hãng.
Nhu cầu sử dụng xe điện tăng nhanh trong những năm gần đây tại Việt Nam, trong đó tùy loại xe mà lưu trữ điện bằng ắc-quy hay pin, quãng đường di chuyển, độ bền, khả năng lưu trữ theo thời gian cũng khác nhau. Vì pin xuống cấp, nhiều người dùng tìm kiếm các dịch vụ độ pin, thậm chí độ động cơ điện để chạy khỏe hơn, bốc hơn.
Những dịch vụ này hầu hết được cung cấp bởi các cửa hàng không chính hãng, bởi các đơn vị bán xe chính hãng chỉ thay pin nếu đã xuống cấp, thường dưới 70% khả năng lưu trữ so với ban đầu. Những nơi này có thể thỏa mãn đủ loại nhu cầu của khách với đủ các tầm giá khác nhau nên được nhiều người tìm tới.
Tư vấn viên của một cơ sở chuyên xe điện tại quận Bình Tân (TP HCM) khẳng định nếu khách hàng có nhu cầu, pin sẽ được độ để tăng quãng đường 3-5 lần so với nguyên bản. Cách làm khá cơ bản, là ghép nhiều pin nhỏ để tạo khối pin lớn hơn, sau đó thiết kế bộ khung/giá đỡ pin trên xe, đi dây điện, quấn các lớp keo/màng chống cháy, chống nước, gắn bộ quản lý pin BMS (Battery Management System). Tuy nhiên, chính cửa hàng cũng không khuyến khích khách dùng dịch vụ này, vì vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
"Chúng tôi bảo hành cho pin độ, nhưng chỉ với ai có thực sự có nhu cầu. Thông thường nếu khách hàng đến thay pin, chúng tôi sẽ tư vấn họ sử dụng pin cùng thông số và đặc tính kỹ thuật với pin của nhà sản xuất, chỉ cần gắn lên và chạy thôi. Việc lên pin dung lượng lớn chi phí không rẻ, có khi đến cả 30 triệu đồng cho những khối pin cho quãng đường chạy gấp 4 lần", tư vấn viên chia sẻ.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng pin không rõ nguồn gốc vô cùng nguy hiểm, khiến tăng nguy cơ cháy nổ trên xe điện. TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO Selex Motor, cho biết, một khối pin để đảm bảo an toàn cần rất nhiều yếu tố, như hệ thống quản lý pin (BMS) chuẩn, đảm bảo tính tản nhiệt của pin, hệ thống khung, thân của pin phải được làm từ vật liệu kháng cháy. Ngoài ra phải bọc màng chống cháy chuẩn, không bít lỗ thông khí của pin vì nếu bọc quá kín, trong trường hợp cháy pin sinh khí độc không thoát ra ngoài được sẽ khiến áp suất bên trong pin tăng, gây nổ. Việc sử dụng pin độ cũng khiến động cơ bị ép hoạt động quá thông số được thiết kế, khiến nhanh hỏng.
Ông Nguyên nói thêm việc thu mua pin cũ để tái chế, sử dụng cho các bộ pin độ cũng nên tránh, vì những cell pin trong một hệ thống pin của xe điện đòi hỏi sự đồng đều cao, nếu trộn pin cũ và pin mới sẽ xảy ra sự khác biệt lớn về độ tải trên mỗi pin, pin càng cũ càng nhanh chai, hỏng và dẫn đến sự mất cân bằng bên trong khối pin, có thể gây cháy, nổ trong điều kiện cực đoan, ví dụ như tải nặng, chạy nhanh liên tục hay thời tiết quá nóng.
"Sản xuất pin xe điện cần đầu tư lớn, từ công đoạn nghiên cứu, phát triển (R&D) cho đến thử nghiệm ở nhiều điều kiện khác nhau. Chính vì thế việc các xưởng độ pin chỉ làm theo thói quen, không có các chứng thực về thử nghiệm, đảm bảo an toàn sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng xe", ông Nguyên phân tích. Hiện tất cả các pin cho xe máy điện đều phải đáp ứng quy chuẩn 91/2019 và nhà máy sản xuất pin đều phải được Cục Đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải cấp chứng nhận.
"Nhu cầu nâng cấp pin là chính đáng, vì pin không dùng mãi được. Nhưng cách an toàn nhất là thay đúng loại pin nguyên bản của nhà sản xuất, việc độ pin sẽ không đảm bảo sự an toàn cho người dùng", ông Nguyên khẳng định.
Theo Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm giao thông, chủ xe tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe sẽ bị phạt với cá nhân là 800.000-2.000.000 đồng, đối với tổ chức là 1,6-4 triệu đồng.
Hiện tại chưa có quy định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức thực hiện độ xe. Theo Nghị định 39/2007 quy định về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, việc mở cửa hàng sửa chữa xe của các cá nhân không phải là thương nhân thì không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh.
Do đó, các chủ cơ sở độ xe thường không bị phạt vì độ xe, mà chỉ ký cam kết không thực hiện hành vi này nếu cơ sở bị kiểm tra, các hành vi khác có thể bị xử phạt như không xuất hóa đơn, chứng từ phụ tùng, vi phạm môi trường, phòng cháy chữa cháy.
Phạm Hải