"Cái gì cũng phải chờ,ấtđộngsảnvẫnkhóvốnvướngpháplýthuốc an thần rất khổ"
Trao đổi vớiThanh Niên, hầu hết doanh nghiệp (DN) đều mong muốn những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực thi hiệu quả, nhanh chóng, nhất là việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý, vốn. Bởi theo ông Dương Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty A.T, chưa bao giờ DN khó như lúc này khi mà hàng bán không được, hồ sơ pháp lý làm mãi không xong và vay vốn ngân hàng cũng "tắc".
Dẫn chứng cách đây 3 tháng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ra thông báo chủ trương tháo gỡ khó khăn cho dự án, trong đó có dự án của công ty ông và yêu cầu Sở KH-ĐT trình báo cáo để lãnh đạo TP quyết. Thế nhưng ông Tú cho hay đã 3 tháng trôi qua, hồ sơ cứ ngâm ở Sở KH-ĐT, chưa chuyển lên trên cho lãnh đạo TP xử lý.
"Tuần nào tôi cũng có mặt ở Sở KH-ĐT để nhờ vả cũng như hối thúc nhưng không ai trình, hồ sơ cứ ngâm ở đó dù đã có thông báo của lãnh đạo TP là gỡ khó khăn cho dự án của tôi. Chỉ một thủ tục mà mất mấy tháng trời không xong. DN không biết kêu ai. Thế nên hỏi cần tháo gỡ cái gì thì cái mà DN cần nhất là sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền địa phương trong tháo gỡ pháp lý. Bởi pháp lý không xong thì không làm ăn gì được cả. DN không xin tiền nhà nước mà chỉ mong lãnh đạo TP, các sở ngành quan tâm, nhiệt tình trong việc xử lý hồ sơ, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý", ông Tú chia sẻ.
Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, thừa nhận lúc này DN cần nhất là tiền nhưng để có tiền phải tháo gỡ pháp lý. Không tháo gỡ được pháp lý, DN không thể vay được vốn từ ngân hàng cũng như bán dự án hay hợp tác làm ăn. "Hiện nay DN đang gặp vấn đề con gà quả trứng, rất bế tắc", ông Dũng nói và nêu thực tế một dự án ở Q.7 (TP.HCM) đã hết hạn chủ trương đầu tư, tập đoàn xin gia hạn. Đến nay, Sở KH-ĐT lấy ý kiến các sở ngành đều đồng ý, chỉ còn chờ Sở TN-MT cho ý kiến để trình UBND TP. Nhưng đến nay đã 3 tháng vẫn chưa xong, khiến DN không làm ăn được gì.
"Dự án đang xây dựng dở dang, dừng lại khiến những người mua nhà khiếu kiện khắp nơi. Không chỉ vậy, khâu tính tiền sử dụng đất cũng mãi không làm khiến dự án có nguy cơ "đắp mền" vô thời hạn. Do vậy mong mỏi lớn nhất của DN hiện nay là cơ quan chức năng nhanh chóng, thật sự bắt tay vào gỡ khó cho DN, chứ không chỉ hô hào chung chung. Làm sao phải có giải pháp để lãnh đạo các địa phương, các sở, ngành phải mạnh mẽ hơn nữa, không đùn đẩy. Hồ sơ đủ hành lang pháp lý thì nên làm, không né tránh. Đồng thời giảm lãi suất, tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận vốn hơn, cơ cấu nợ cho DN theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay cái gì DN cũng phải đi xin, rất khổ", ông Dũng nói thẳng.
KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ LẠI HIỆU QUẢ CÁC QUYẾT SÁCH
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM, cho biết chỉ trong tháng 10 Thủ tướng Chính phủ đã có 3 văn bản chỉ đạo liên quan đến thị trường BĐS. Kỳ vọng đặc biệt nhất của DN lúc này là tháo gỡ pháp lý thì họ mới tiếp cận tín dụng nhưng thực tế rất khó. Theo ông, "báo cáo của Bộ Xây dựng thấy phấn khởi khi số dự án nhà ở thương mại mở bán tăng 3 lần so với quý trước. Ngân hàng Nhà nước cũng thông báo tín dụng vào BĐS tăng kinh khủng nhưng chúng tôi không biết, không thấy DN nào được vay, không rõ tiền chảy đi đâu".
"Các báo cáo cho thấy thị trường BĐS đang từng bước phục hồi trở lại, khó khăn đang giảm dần, quý sau đỡ khó khăn hơn quý trước. Nhưng mới ngày 24.10, tôi họp Ban chấp hành của Hiệp hội, các DN vẫn cho rằng họ đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Những tín hiệu lạc quan xuất phát nhiều từ nỗ lực của DN, các chính sách của nhà nước vẫn chưa thẩm thấu, chưa thật sự hiệu quả. Do vậy, các DN vẫn mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao hơn nữa trong việc kiểm tra, đánh giá lại tính hiệu quả của các quyết sách đưa ra để có chỉ đạo cho phù hợp. Đặc biệt là thực thi ở các bộ ngành, các địa phương đối với các chỉ đạo trên", ông Châu nói.
Có cái nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, nói rằng những nỗ lực từ nhiều phía (Chính phủ, các bộ ngành, hệ thống ngân hàng, bản thân DN BĐS...) đã góp phần tích cực nhằm "giữ" thị trường BĐS. Tuy thị trường chưa đủ lực để có thể "vượt dốc" nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ "mất phanh". Các cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu được thẩm thấu.
Lượng giao dịch trên toàn thị trường tăng dần theo thời gian. Tổng giao dịch quý 1, 2, 3 lần lượt là 2.700, 3.700 và 6.000 sản phẩm. Bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng hơn trong bức tranh tổng thể của thị trường. Đó là những địa phương có kinh tế phát triển, được quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP.HCM... Thêm nhiều địa phương tích cực vào cuộc, chung tay gỡ rối cùng DN BĐS như: Hà Nội, Hải Dương, Đồng Nai...
Đây cũng là tín hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận. Dù vậy theo ông Đính, sức khỏe của các DN BĐS đã có dấu hiệu được cải thiện nhưng chưa phải hoàn toàn và trên diện rộng. Điều này được thể hiện bởi số lượng DN BĐS quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương phục hồi tốt. Tuy nhiên, mỗi tháng vẫn có khoảng 107 DN BĐS rời khỏi thị trường. Riêng với các sàn giao dịch BĐS có đến 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, "sống bằng niềm tin" thị trường BĐS sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.
"DN BĐS còn hoạt động, tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn do không bán được hàng, không huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng, cũng không huy động được nguồn vốn từ các kênh tài chính quen thuộc: trái phiếu, tín dụng ngân hàng... Do vậy, các DN vẫn kỳ vọng tiếp tục được tháo gỡ khó khăn về chính sách và tín dụng. Đây là hai vấn đề sống còn của DN, của thị trường", ông Đính nhấn mạnh.
Vấn đề và Giải pháp: Bức tranh thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2023
Tính đến cuối tháng 8.2023, có 1.721 DN BĐS quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 9, số lượng DN thành lập mới trong lĩnh vực BĐS gấp 3,5 lần số lượng DN BĐS giải thể với 3.394 DN nhưng vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022.