Thói quen chia sẻ
Cách đây 3 năm,ýdonhiềungườitrẻmangtheothuốcbánhsữakhirađườaw8 khi đi làm về muộn, Lã Minh Anh gặp ông cụ bán hàng rong đang ngủ gục bên đường. Có cảm giác bất an, hơi lo cho cụ nên cô gái dừng xe hỏi thăm, tiện mua hàng để cụ về sớm. Minh Anh gọi cụ dậy thì cụ bảo vì đói quá nên ngủ thiếp đi. Cô gái chạy xe lòng vòng kiếm chỗ mua đồ ăn và rất lâu sau mới tìm được chỗ bán. "Từ đó, trong người mình lúc nào cũng có sẵn bánh mì ngọt để nhỡ gặp ai đang cần giúp thì tặng luôn", Minh Anh nói.
Trong cặp của cô gái này còn có thêm "tủ thuốc cá nhân" bao gồm: thuốc huyết áp, giảm đau, thuốc suyễn, viên canxi sủi... phòng trường hợp xung quanh có ai bị gì thì "sẵn đồ nghề chữa cháy liền". Vừa học vừa làm thêm, phải di chuyển và tiếp xúc nhiều người nên những món đồ nhỏ mang theo cứ nhiều lên và thành thói quen của cô lúc nào không hay.
Còn An Hạ thì từ hồi học cấp 3 dù đã ăn sáng nhưng cứ gần trưa cô lại hay bị hạ đường huyết. Với kinh nghiệm trên, Hạ có thói quen mang theo kẹo. Sau này, khi gặp người nào… giống mình thì Hạ có kẹo đưa họ ngậm để sớm khỏe. Chưa kể, cô gái cũng thường tặng kẹo cho những đứa trẻ mình gặp ở bất kỳ đâu.
Cũng giống Minh Anh, An Hạ có túi y tế nhỏ trong ba lô gồm: miếng dán hạ sốt, thuốc giảm đau, thậm chí cả băng vệ sinh… để kịp thời chia sẻ cho người cần. Cả 2 cô sinh viên chưa bao giờ thống kê số lượng bánh kẹo hay số người mình đã giúp vì nghĩ việc làm của mình không quá lớn lao.
Của cho không bằng cách cho
Trong khi đó, bà mẹ trẻ Thảo Uyên (24 tuổi, ở TP.HCM) bắt đầu thói quen này từ tháng 6 sau 2 năm ở nhà chăm con nhỏ.
Lúc trước ra đường, dừng xe ngay ngã tư nhìn thấy người vô gia cư hay các em bé ăn xin, Uyên thường cho họ tiền lẻ mang theo. Thảo Uyên kể chồng cô đề xuất nên cho đồ ăn, quần áo hay bất cứ thứ gì hữu ích ngay lúc đó. Giờ đây, cứ mỗi sáng khi soạn ba lô cho con đến nhà trẻ, Uyên chuẩn bị thêm vài cái bánh hay hộp sữa bỏ vào balo của mình.
Bà mẹ trẻ chia sẻ rằng không tốn nhiều tiền cho khoản thêm này "Vì không phải ngày nào cũng gặp được người cần tặng". Khi gặp em bé chừng 2 tuổi đi bán vé số, Thảo lục trong ba lô thấy còn 1 hộp sữa tươi. "Mình mừng rỡ lấy ra đưa cho em bé ngay. 2 mẹ con thể hiện vẻ xúc động trên gương mặt, tuy bất ngờ nhưng không quên nói lời cảm ơn. Lúc đó, mình thấy thực sự đã giúp cho họ một điều gì đó, hơn cả việc mua vé số hoặc cho họ ít tiền. Mình có cảm giác ấm áp trong tim khi làm việc tốt", Thảo Uyên xúc động nói.
Minh Anh thường mua vé số từ người bán dạo rồi lấy 1 tờ tượng trưng, tặng người bán 1 - 2 tờ. Cô cho biết học điều này vì cách đây vài năm có mua vé số và bảo không lấy tiền thối nhưng người bán nhất quyết không chịu. "Muốn giúp đỡ thì cũng phải làm sao để người được giúp không cảm thấy ngại, của cho không bằng cách cho là vậy", Minh Anh nói. Cô gái tâm niệm, nếu gặp ai chưa tìm được lý do để yêu thương bản thân và chưa cảm thấy cuộc sống này đáng sống, thì cô sẽ nói với họ rằng: trở thành người tử tế thôi đã là một điều quý giá và xứng đáng để hài lòng về bản thân. Cô chỉ có mong muốn duy nhất là "một ngày mình không cần phải mang bánh theo bên người nữa".
Còn An Hạ mong rằng sự giúp đỡ sẽ lan tỏa rồi tinh thần đền đáp cứ thế tiếp nối. Mình giúp người này thì họ sẽ giúp lại người khác hoặc có khi bản thân mình cũng được nhận lại.